Thách thức trong quá trình học hỏi là nhận biết được sự phức tạp, những xung đột, những chấn thương, bế tắc, những năng lượng của một quốc gia, một nền văn hóa.
Trước thực trạng một cộng đồng người Việt nào đó hiện ra trên báo chí và mạng xã hội như một tập thể lười biếng, ngày ngày chỉ lượn từ quán trà chanh sang hàng bia hơi, sau đó thì hoặc là đi bắt trộm chó, hoặc gia nhập đám đông đánh trộm chó một cách phấn khích man rợ và chỉ dừng lại khi thấy một xe tải chở bia bị đổ ra đường. Rồi người ta bảo: Văn hóa thì đã “xuống cấp”, và đạo đức hoàn toàn “băng hoại”. Thì hiện nay có không ít người Việt hướng tới một số dân tộc khác mong tìm ra được một cuốn cẩm nang hướng dẫn tỉ mỉ phải sống như thế nào.
Ba dân tộc được nhắc tới nhiều nhất, với lòng ngưỡng mộ và khâm phục là Mỹ, Nhật và Do Thái. Không ngày nào trôi qua mà không gặp một bài báo, một trạng thái trên Facebook ca ngợi sự ưu việt của những nền văn hóa kia, và những căn dặn tỉ mỉ để noi theo.
Người ta chuyền tay nhau các bài viết chê cười tủ rượu của người Việt và ngợi khen tủ sách của người Do Thái, và còn cho biết thêm phụ huynh Do Thái “xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ từ khi còn trong nôi”, và “để sách hấp dẫn trẻ, họ thường nhỏ nước hoa lên sách để tạo mùi hương cho các em chú ý” (Tôi tự hỏi liệu bước tiếp theo sẽ là rắc nước hoa vào bát bột để trẻ hết biếng ăn?).
Một loạt bài viết khác cũng khá được ưa thích chỉ ra sự khác nhau trong hành xử ở phòng chờ sân bay giữa người phương Tây ưu tú và người Việt ít học. Chúng khiển trách người Việt không thể rời mắt khỏi màn hình điện thoại, trong khi đó “người phương Tây dành thời gian để trò chuyện, ăn nhẹ và quan sát xung quanh”.
Ngoài chuyện đọc sách, giáo dục trẻ con là cái mà người Việt luôn tầm sư học đạo. Chính điều đó khiến tình hình rối như canh hẹ. Lúc thì người ta khuyên nhau nên nuôi con thành nhẫn nại, khiêm nhường “như người Nhật”. Lúc khác thì lại phải biến chúng thành quyết đoán, phá cách “như người Mỹ”.
Buổi sáng thì tới khóa học “bí quyết nuôi con thành thông minh của người Do Thái”, buổi tối lại nghiền ngẫm triết lý được cho là của Nhật rằng “trẻ em không cần phải quá thông minh; thông minh, học giỏi không hẳn là một điều tốt”.
Những nỗ lực này làm ta liên tưởng tới một đại gia đình thường xuyên ca cẩm về sự suy tàn của dòng họ mình, và cử những đứa con ra ngoài thám thính các gia đình thành công trong phố.
Điều mà đại gia đình này thiếu là thiếu niềm tin vào các giá trị của bản thân và thiếu khả năng phân tích, đánh giá và phán xét thế giới xung quanh để không mù quáng chạy theo người khác.
Sự khâm phục và ngưỡng mộ phương Tây và Nhật Bản này đạt tới đỉnh điểm qua phát ngôn kiểu: “Tôi có người cháu học ở nước ngoài về nói rằng họ có thể chăm chút cả đám mây bay trên bầu trời”.
Nhưng phần đông chúng ta cũng đã biết rằng “nước ngoài” cũng không phải là một miền đất hứa êm đềm, đầy mật ngọt trên mặt đất và tiếng chuông lục lạc vang trong không trung. Và cư dân của họ cũng là những người trần mắt thịt, cũng luẩn quẩn trong tham, sân, si, cũng vô minh và bối rối trong cuộc sống.
Nhưng thái độ yêu thích nước ngoài một chiều ấy đang ẩn chứa nhiều vấn đề.
Mỗi đất nước, dân tộc, văn hóa, thậm chí mỗi cá nhân là một vũ trụ phức tạp, chứ không phải là những nhân vật của một vở kịch tuyên truyền thô thiển: người này giỏi, người kia kém, trắng đen rõ ràng và bất biến. Thách thức trong quá trình học hỏi là nhận biết được sự phức tạp, những xung đột, những chấn thương, bế tắc, những năng lượng của một quốc gia, một nền văn hóa.
Nếu như cứ mù quáng, tôn sùng vô điều kiện một cái gì đó thì lại càng dễ thất bại. Và khi vỡ mộng, người ta lại càng vội vã tuyên bố phải “thoát” nó ngay lập tức để chạy tới tôn thờ một cái mới. Tâm thế đó là tâm thế của những kẻ mất tự do.
Theo: ĐẶNG HOÀNG GIANG