Hồi học chuyên Anh, tôi than thở với bố là học chuyên ngữ thì biết làm gì. Người bảo: “Bác Nguyễn Mạnh Cầm từ phiên dịch mà thành Bộ trưởng Ngoại giao đấy thôi”. Tôi học, mong một ngày mình sẽ thành nhà ngoại giao giỏi.
Năm 17 tuổi, tôi đổi ý, chỉ muốn thành triết gia, nhà phê bình văn học nên tôi đọc đủ thứ sách triết, kinh kệ và văn học. Trong năm thứ nhất, bị ám ảnh bởi nhân vật thám tử Sherlock Holmes, tôi quyết chí trở thành nhà tội phạm và tâm lý học. Hết năm thứ nhất, vì cơm áo gạo tiền, tôi đổi sang học thương mại để dễ xin việc. Đến cuối năm thứ ba, vì ấn tượng bởi một anh bạn làm tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo, tôi muốn mình trở thành một nhà khoa học. Và thế là tôi dành 7 năm nghiên cứu kinh tế học.
Năm 28 tuổi khi xong tiến sĩ, tôi tưởng đã biết mình muốn làm gì. Nhưng không, sau ba năm làm nghiên cứu, tôi mới nhận ra rằng, mình thực sự không muốn (và không thể) làm khoa học. Tôi chuyển sang làm tư vấn sáp nhập và mua bán doanh nghiệp, một nghề trong ngành tài chính đòi hỏi tính cách rất khác với việc giảng dạy, nghiên cứu. Việc tôi đi kinh doanh là điều không tưởng với các bạn cũ, những người luôn nghĩ tôi là một con mọt sách.
Một anh bạn tôi tốt nghiệp Y Hà Nội, học cao học tại một trường đại học rất nổi tiếng ở Mỹ, hiện nay rất hạnh phúc làm nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và đi dạy bán thời gian. Một cô bạn khác học ngoại giao, giờ suốt ngày luyện tập golf để trở thành một trong những nữ golf thủ hàng đầu ở Việt Nam.
Trước mỗi kỳ thi tuyển sinh đại học, điều mà cha mẹ và các nhà quản lý hay nói nhiều nhất là chuyện định hướng nghề cho con em mình. Xác định đam mê, định hướng nghề nghiệp, dự báo xu thế nhu cầu nghề được coi là những điều rất quan trọng đối với các bạn trẻ. Việc không vào được trường hay ngành nghề mình chọn được xem là nỗi đau khổ của các bạn, gia đình và một sự thất bại của nhà nước.
Thế nhưng, tôi lại nghĩ khác.
Tôi chắc rằng phần lớn chúng ta đều thay đổi nghề ít nhất một lần trong đời và công việc đầu tiên thường không bao giờ là việc cuối cùng, đặc biệt là trong thế kỷ 21 này. Đam mê và định hướng nghề nghiệp sẽ thay đổi rất nhanh đối với các bạn trẻ. Cũng như chúng tôi, khi mới bước chân vào cuộc đời, 12 năm học phổ thông là quá ít để các bạn trải nghiệm cuộc sống, để thực sự biết mình thích gì, làm gì và làm được gì. Làm sao có thể bảo các bạn trẻ định hướng nghề và đam mê khi có quá ít thông tin?
Do vậy, tôi không đánh giá cao việc phải định hướng hay dự báo ngành nghề cho các bạn trẻ. Nhận thức về nghề chỉ có thể đến qua việc thực sự trải nghiệm và tương tác với thế giới rộng lớn hơn rất nhiều bên ngoài trường học. Con đường phát hiện ra đam mê của cuộc đời mình hiếm khi là một đường thẳng. Nó đầy trắc trở và sẽ thay đổi theo thời gian, nhiều khi rất ngẫu nhiên. Một cú huých của số phận cũng có thể biến bạn từ một bà nội trợ an phận trở thành một doanh nhân đầy máu lửa và ngược lại.
Hơn nữa, việc chọn nghề còn phụ thuộc rất nhiều vào một yếu tố vô cùng quan trọng nữa: Tương lai là bất định. Việt Nam trong 10-20 năm nữa sẽ khác xa những gì trong tưởng tượng của chúng ta.
Có hàng trăm nghìn yếu tố ảnh hưởng đến tương lai mà không ai có thể kiểm soát và dự báo nổi. Mỗi một trải nghiệm, một tác động ngoại cảnh, một sự may mắn hay bất hạnh, cũng ảnh hưởng đáng kể đến tương lai.
Cách đây hơn 11 năm, không ai tiên đoán được một ngày nào đó, “báo lớn nhất thế giới” lại là trang mạng xã hội Facebook và sẽ làm hàng nghìn nhà báo mất việc. Sự sụp đổ không ngờ của thị trường tài chính và bất động sản ở Việt Nam gần đây đã biến việc học ngành tài chính, ngân hàng có nguy cơ lỗi mốt. Mười năm trước, mấy ai nghĩ rằng có một ngày ngành nông nghiệp, dịch vụ và du lịch, nhà hàng, khách sạn lại trở thành những ngành và nghề đang rất “thời thượng” ở Việt Nam hiện nay.
Sự bất định của tương lai trong một thế giới thay đổi chóng mặt sẽ làm phần lớn những định hướng và kế hoạch của các bạn trẻ và cha mẹ không còn chính xác nữa.
Vậy nếu tương lai là bất định, chúng ta phải làm gì? Do không thể kiểm soát tương lai nên điều quan trọng nhất là chuẩn bị tốt để thích ứng tốt. Chúng ta cần được đào tạo toàn diện để có thể ứng phó với mọi thay đổi chứ không phải chỉ biết một nghề. Để làm được vậy, sự cởi mở, óc sáng tạo, năng lực phản biện, tâm thế học hỏi, ngoại ngữ và tiếp cận đa ngành là những kỹ năng quan trọng nhất.
Một trong những điểm tiến bộ nhất của giáo dục đại học hiện đại là triết lý giáo dục khai phóng (liberal arts education). Triết lý này cho rằng, sinh viên cần phải được đào tạo toàn diện trong nhiều lĩnh vực như: khoa học xã hội, nhân văn, tự nhiên và khoa học cơ bản. Các đại học cộng đồng (community colleges), khai phóng (liberal art colleges), và hai năm đầu tại các đai học lớn ở Mỹ thường đào tạo theo triết lý này. Sinh viên sẽ học chuyên sâu hơn vào năm thứ 3 và 4. Tôi mong các đại học ở Việt Nam và các bạn trẻ có thể theo con đường phát triển toàn diện ấy trong những năm đầu đại học thay vì cố học chỉ một nghề mà sau này phần lớn các bạn sẽ không làm. Còn nếu nền giáo dục sau phổ thông của Việt Nam chưa làm nổi thì bản thân các bạn trẻ hãy tự trang bị cho mình bằng cách tự học, đi làm sớm, tích lũy kinh nghiệm và trải nghiệm càng nhiều càng tốt.
Sau này có làm tài chính thì kiến thức văn học sẽ giúp các bạn rất nhiều khi viết, giao tiếp; có làm về y thì sự hiểu biết về tâm lý cũng sẽ giúp bác sĩ đồng cảm với bệnh nhân hơn. Một kỹ sư biết về nghệ thuật cũng sẽ có những thiết kế đẹp hơn (các thiết kế của Steve Jobs cho Apple chịu ảnh hưởng lớn từ những năm ông học thư pháp). Càng trải nghiệm nhiều và được tiếp cận đa ngành, các bạn sẽ được chuẩn bị tốt hơn cho tương lai bất định.
Đừng nghĩ rằng vào đời là phải xác định ngay mình sẽ làm nghề gì. Một lúc nào đó, các bạn sẽ phát hiện ra mình thực sự thích gì, muốn làm gì, có thể làm được gì.
Và tương lai sẽ luôn bất định. Hãy chuẩn bị hành trang thật tốt và đừng đóng khung đời mình theo một hướng mà thôi.
Nguồn VnExpress