Trí thông minh và tài năng con người không phải là đại lượng bất biến mà nó có thể thay đổi theo thời gian, dưới tác động của môi trường cộng thêm sự nỗ lực của bản thân cá nhân mỗi con người.
Có không ít tranh luận xoay quanh vấn đề trí thông minh có phải là đại lượng cố định hay không, trí thông minh có thể thay đổi theo thời gian, có thể thay đổi nhờ sự nỗ lực của cá nhân con người hay không?
Về vấn đề này khoa học di truyền ngự trị từ trước tới nay cho rằng trí thông minh của con người do gen di truyền quy định và là đại lượng bất biến không thể thay đổi kể từ khi con người sinh ra đến khi chết đi. Đồng thời còn khẳng định chắc chắn rằng chỉ một số ít hiếm hoi những người may mắn có được gen thông minh ngay từ khi sinh ra.
Tuy nhiên những nghiên cứu mới về tiềm năng con người đưa ra một giả thuyết hoàn toàn khác. David Shenk tác giả cuốn sách Thiên tài trong mỗi chúng ta chỉ ra rằng gen không phải là mô hình định sẵn, không phải là yếu tố duy nhất điều khiển vận mệnh của mỗi cá nhân. Bản thân mỗi chúng ta là sản phẩm của sự tương tác năng động giữa gen và môi trường xung quanh
Theo David Shenk công thức về tài năng của mỗi cá nhân một cá nhân con người là: Gen x Môi trường = Tài năng
Ông chỉ ra rằng : Sự khác biệt về di truyền đóng vai trò quan trọng, nhưng bản thân gen lại không quyết định đặc điểm cơ thể và hành vi của mỗi cá nhân. Số phận của chúng ta là sản phẩm của sự tương tác năng động giữa gen và môi trường. Hai người không thể có tiềm năng giống nhau hoàn toàn, song rất ít người hiểu được giới hạn tài năng chính xác của mình. Khi ai đó chưa đạt được thành công không phải do di truyền không đầy đủ, mà do chúng ta chưa khai thác hết mọi tiềm năng của mình. Điều đó có nghĩa là chỉ có gen thôi là không đủ, con người muốn tài năng và thành công thì cần phải có môi trường, cần sự kiên trì, nỗ lực không mệt mỏi…
Quan điểm này của David Shenk khiến chúng ta nghĩ đến câu tục ngữ ” cần cù bù thông minh”, hay nhà bác học Thomas Edison cũng đã từng nói: “Thiên tài là 1% cảm hứng và 99% mồ hôi”
Điều đó có nghĩa là trí thông minh và tài năng của một cá nhân con người không phải là một đại lượng bất biến mà nó có thể thay đổi, cải thiện dưới tác động của môi trường nơi chúng ta sinh sống bao gồm có: nền giáo dục gia đình, nhà trường, môi trường làm việc… tinh thần cầu tiến, chí tiến thủ và sự nỗ lực của bản thân cá nhân mỗi con người.
Bạn hoàn toàn có thể cao lớn hơn, thông minh hơn, tài năng hơn và thành công hơn. Điều này được chứng minh bằng hàng ngàn giờ tập luyện của các thiên tài như: thiên tài âm nhạc như Wolfgang, Mozart, Yo-Yo Ma, các siêu sao thể thao Tiger Woods, Michael Jordan…
Nói cách khác, trí thông minh cũng như tài năng con người không hề cố định, không hề giới hạn. Trí thông minh là một quá trình năng động, khuếch tán và luôn luôn phát triển. Mihály Csikszentmihályi cho rằng: “những người thành công trong học tập không nhất thiết sinh ra đã thông minh hơn người khác, mà làm việc chăm chỉ hơn và phát triển tính kỷ luật cao hơn”
Đây thực sự là thông tin quan trọng và đáng mừng. Trong cuộc sống, trong quá trình rèn luyện bản thân bạn đừng lấy sự thiếu thông minh, thiếu nhạy bén, lười biếng của bạn ra để bao biện cho sự chùn bước, thất bại trước ngưỡng cửa cuộc đời mà hãy thông minh theo cách của riêng bạn.
VMIT/ BT SƯU TẦM