Nên sống như mình mong muốn hay sống như người ta bảo?
Thời còn học mẫu giáo, từ thế hệ 8x trở về sau, chắc ai cũng đã từng nghe người ta hỏi câu đó. Tuy chẳng còn nhớ rõ phiếu bé ngoan trông như thế nào, tôi còn nhớ cảm giác hãnh diện mỗi khi có thể trả lời “Có”, cứ hôm nào nhận được phiếu bé ngoan, tôi đều nóng lòng muốn lao về nhà ngay để khoe ông bà, bố mẹ.
Bọn nhóc cùng học với tôi cũng vậy, đứa nào được nhận phiếu bé ngoan là lên mặt ra trò, đứa nào không được nhận thì buồn buồn, tôi mà không được nhận thì sẽ xấu hổ lắm. Có hôm cô phát đến tôi thì hết phiếu, cô nói tuần đó tôi rất ngoan và xứng đáng nhận phiếu, nhưng cô phát hết rồi nên mong tôi cho cô nợ.
Tôi định chiều theo ý cô, nhưng cứ nghĩ về nhà người ta hỏi tôi “Hôm nay đi học có được phiếu bé ngoan không?” tôi phải trả lời “Không” thì tôi lại nài nỉ cô, xin cô tìm nốt và phát phiếu cho tôi.
Tôi thì cũng quên khuấy những tiêu chí để cô giáo của tôi quyết định phát phiếu cho tôi hay cho bạn tôi, tôi chỉ nhớ là không phải ai trong lớp cũng được nhận. Vô hình chung việc nhận phiếu bé ngoan trở thành một mục tiêu mà bọn trẻ chúng tôi phấn đấu có được để được công nhận là trẻ ngoan, để phân tách chúng tôi khỏi đám trẻ không ngoan.
Lớn lên một chút khi đi học cấp 1, cấp 2, người ta hay hỏi chúng tôi: “Năm nay có được học sinh giỏi không?”
Bạn Nam trong lớp tôi học rất giỏi môn Toán nhưng lại kém môn Văn. Cô giáo mà ra đề bài Toán thì bạn ấy sẽ là người đầu tiên trong lớp có đáp án, đám chúng tôi đều rất ngưỡng mộ Nam.
Thế nhưng Nam lại dở tệ môn Văn, cô giáo bảo tả con lợn, Nam không tả nó “tròn như cái phích, hai mắt tròn như hai hòn bi ve” mà Nam lại viết “em chưa từng thấy con lợn ngoài đời, nhưng qua xem tivi thì em thấy lợn vừa béo vừa bẩn”.
Thế là dù điểm Toán rất cao, Nam vẫn chỉ được học sinh khá vì chẳng đủ “phẩy” Văn. Nam bảo với tôi là nó buồn. Người ta bảo phải được học sinh giỏi mới là tốt, mới không tốn tiền bố mẹ cho ăn học, phải được học sinh giỏi về sau mới tìm được việc tốt, mới có tương lai sáng lạn.
Chúng tôi nhìn Nam tự nhủ mình phải cố học thật tốt tất cả các môn, chứ giỏi một môn thôi chẳng để làm gì, cuối cùng cũng chẳng được học sinh giỏi, chỉ tổ làm xấu mặt bố mẹ. Thời cấp 3 đến, chúng tôi sắp sửa đối mặt với một trong những bước ngoặt mà theo người ta là quan trọng nhất trong cuộc đời, đó là kỳ thi đại học.
Họ nói với chúng tôi rằng: “Năm nay thi trường nào? Cố gắng mà đỗ đại học nhé!”
Chúng tôi đã biết con đường tiếp theo để đi, người ta đã chỉ sẵn cho chúng tôi, chúng tôi cũng chẳng buồn nghĩ, hay cũng chẳng nghĩ ra là cần nghĩ, rằng ngoài việc thi đại học còn có lựa chọn nào khác.
Mà thôi, dù có lựa chọn nào khác thì người ta đã bảo thi đại học là con đường duy nhất, là con đường tốt nhất, bao người đã đi con đường như vậy, mình tốt nhất là đi theo. Vì tin tưởng đỗ đại học là cánh cửa duy nhất, tốt nhất tới tương lai, chúng tôi lao mình vào học, nhiều người còn chưa kịp nghĩ mình muốn học ngành gì, tại sao mình lại chọn trường đấy, thôi thì xem người ta bảo ngành nào, trường nào “hot” thì nộp hồ sơ vào vậy.
Những áp lực mơ hồ bắt đầu đè nặng lên chúng tôi và gia đình, sẽ ra sao nếu tôi trượt đại học? Có lẽ cái viễn cảnh tương lai tăm tối mà người ta vẽ ra không đáng sợ bằng cái “danh tiếng”, cái gông cùm mang tên “trượt đại học”. Rồi người ta sẽ nhìn tôi như thế nào? Người ta sẽ nhìn gia đình tôi ra sao?
Khi người ta hỏi tôi “Có đỗ đại học không?” tôi sẽ phải cúi mặt hổ thẹn như thế nào? Khi bố mẹ tôi được hỏi “Con bé nhà anh chị có đỗ đại học không?” bố mẹ tôi sẽ phải trả lời tủi hổ ra sao? Cái Mai bạn tôi hồi đó đã thi trượt. Nó đã học hành rất chăm chỉ, đã rất quyết tâm, tôi cũng không hiểu vận xui nào đã khiến Mai trượt, chắc như người ta nói “học tài thi phận”.
Suốt 1 năm trời kể từ ngày biết kết quả Mai cắt đứt liên lạc với chúng tôi, những đứa đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thi cử với cuộc đời. Không ai biết đến hành tung của Mai cho đến khi cô bạn đỗ đại học vào lần thi thứ 2, lúc gặp lại Mai nói: “Giờ tao mới có mặt mũi gặp chúng mày”.
Người ta là những con người không rõ mặt mũi, danh tính nhưng luôn xuất hiện ở những thời điểm quan trọng trong cuộc đời. Như khi vào Đại học một thời gian, người ta sẽ thường xuyên hỏi nhau là: “Đã có người yêu chưa?”
Chừng nào bạn chưa có người yêu, chừng đó người ta sẽ tiếp tục và liên tục nhắc nhở: “Sắp hết Đại học rồi đấy, kiếm ai yêu đi cho biết mùi vị”, “Yêu đại ai đó đi, trong hội ai cũng có người yêu rồi”, “Từng này tuổi mà sao chưa có mảnh tình nào vắt vai?”, vân vân và vân vân.
Rồi một ngày, thật may mắn bạn đã có người yêu và không còn vinh hạnh được nghe những lời khuyên kia nữa, người ta sẽ chuyển sang quan tâm đến chuyện khác: “Thế bao giờ thì cưới?” “Thế bao giờ thì cưới?”, người ta sốt ruột và lo lắng thay cho cuộc tình của bạn.
Ai cũng mong hai bạn sẽ đến được với nhau, yêu là phải cưới, còn yêu mà không cưới thì không có tương lai, tốt nhất là nên bỏ nhau, yêu lâu quá không đi đến đâu thì cũng nên đường ai nấy đi để tập trung cho công cuộc “tìm vợ, tìm chồng”.
Nhiều người nghe người ta nhắc nhở chí lý quá, không muốn cứ “yêu” mãi nữa, thế nhưng người yêu lại chưa muốn “cưới”, thế là lục đục, thế là chia tay. Dù sao lời khuyên của người ta cũng là đúng nhất, yêu mà không muốn cưới thì rõ ràng là không yêu nghiêm túc rồi.
“Thế bao giờ thì lập gia đình?” Giờ bạn đã bỏ người yêu, người ta lại lo không biết bao giờ bạn mới lập gia đình, mới ổn định được. Nhiều người chủ động đến gặp để tâm sự, an ủi cho cái sự cô đơn, lẻ bóng của bạn. Nhiều người rất tốt bụng còn giúp mai mối cho bạn.
Họ bảo: “Bạn bè cưới hết rồi kìa, không sốt ruột à?”, “Thôi ổn định đi, an cư mới lạc nghiệp được”, đối với nữ giới thì người ta lại càng lo lắng: “Đàn ông từng này tuổi chưa lập gia đình, rong chơi còn được, mình là thân con gái có xuân có thì, không lập gia đình sớm rồi không kiếm được ai đâu”.
Ai cũng lo cho tương lai và hạnh phúc của bạn, ai cũng thật là tử tế. Chị Hương bạn tôi nhờ những lời khuyên và những lần mai mối ấy đã tìm thấy người chồng của mình. Gặp nhau lần đầu tiên hai người đã biết là dành cho nhau rồi vì cả hai đều đang cần lập gia đình gấp để bằng bạn bằng bè và để đáp lại sự quan tâm ngày càng tăng của những người xung quanh.
Kể từ khi quen biết đến khi lấy nhau là gần 1 tháng rưỡi, hai anh chị tâm niệm “lấy trước, tìm hiểu sau”, anh kia còn chưa kịp thuộc ngày sinh của chị này nhưng không sao, điều đó không quan trọng, cứ phải lấy nhau đã rồi tính gì thì tính.
Người ta là những con người không rõ mặt mũi, danh tính nhưng luôn xuất hiện ở những thời điểm quan trọng trong cuộc đời. Hoặc, họ luôn luôn xuất hiện, ở mọi thời điểm trong cuộc đời chúng ta.
Sau việc lập gia đình, họ sẽ tiếp tục đồng hành và nhắc nhở chúng ta lúc nào nên có con, lúc nào nên tu sửa nhan sắc, lúc nào nên bắt đầu cho con đi học, nên cho con học trường gì. Nếu hai vợ chồng có không hạnh phúc mà muốn chia tay, người ta sẽ có mặt ngay để khuyên hai người cố ở với nhau để cho con cái có bố có mẹ.
Ừ thì việc có bố có mẹ là quan trọng nhất rồi, dù đứa bé có phải lớn lên trong gia đình không hạnh phúc, có nhìn thấy bố mẹ cãi nhau, mắng chửi nhau hằng ngày cũng không sao, dù đôi vợ chồng có cảm thấy bất hạnh hằng ngày cũng không sao, miễn nhìn bên ngoài gia đình vẫn “đủ người” là được.
Bởi vì người ta thì luôn đúng nên không dại gì mà ta không nghe theo. Người ta có quan tâm, có lo cho mình người ta mới hỏi, mới nhắc nhở.
Và rồi khi con cái chúng ta vào mẫu giáo, đến lượt con cái chúng ta sẽ được hỏi: “Hôm nay đi học có được phiếu bé ngoan không nhỉ?” Và rồi đôi lúc, chỉ thoáng đôi lúc thôi, ta tự hỏi: “Liệu người ta có thực sự quan tâm đến ta?”
Nguồn Cafebiz