Bạn đã từng nghe câu nói: “với IQ người ta tuyển lựa bạn, nhưng với EQ, người ta đề bạt bạn” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của chỉ số EQ. Ngày nay những người thành đạt không phải là người có IQ cao nhất mà là người có EQ cao nhất. Càng ngày, người ta càng cho rằng EQ quan trọng hơn IQ
Vậy chỉ số EQ là gì? EQ là viết tắt của từ tiếng anh Emotional Intelligence, hoặc Emotional Quotient nghĩa là trí thông minh cảm xúc. Khái niệm này được nhà tâm lý học Peter Salovey trường đại học Yale và John Mayer trường Đại học New Hamphshire đề cập đến từ năm 1990.
EQ thể hiện khả năng của một người hiểu rõ chính bản thân mình cũng như thấu hiểu người khác và nó ít nhiều tương đồng với khái niệm mà Howard Gardner (Giáo sư, tiến sĩ trường Đại học Harvard cha đẻ của thuyết đa thông minh) gọi là trí thông minh trong người và thông minh giữa người. Hơn thế, EQ còn thể hiện khả năng chế ngự cảm xúc để thích ứng với hoàn cảnh và kiểm soát các cảm xúc. Người có EQ cao do vậy dễ thích nghi, luôn tìm được sự hòa hợp trong một tập thể, dễ dàng nhận được sự hợp tác trong công việc, trong cuộc sống hơn những “ngôi sao cô đơn”.
EQ một phần là bẩm sinh nhưng cũng do giáo dục, rèn luyện mà có được. EQ không đối lập với IQ, mà mục đích của giáo dục là phát triển song song hai chỉ số này. Có những người được thiên phú cả hai, nhưng không ít người lại thiếu cả hai.
EQ chưa có được một công thức tính toán riêng, vì trí thông minh xúc cảm là một phẩm chất phức tạp, biểu hiện qua những cái khó thấy như sự tự ý thức, sự thấu cảm, tính kiên trì, lạc quan, tính quyết tâm và khả năng hoạt động xã hội. Mặc dù chưa có công thức tính toán riêng nhưng để biết được chỉ số EQ của bạn ở mức độ bao nhiêu bạn có thể tham gia một số phương pháp test như trắc nghiệm hoặc khi sử dụng dịch vụ sinh trắc dấu vân tay sẽ cho bạn biết chỉ số EQ bẩm sinh của bạn.
Nguồn: vnexpress.net