Câu chuyện nhỏ cho bạn biết trẻ tổn thương đến mức nào…
Vào độ tuổi trẻ cần được yêu thương và quan tâm nhất, rất nhiều bậc cha mẹ lại dành phần lớn thời gian rảnh rỗi để xem điện thoại. Điều này sẽ khiến trẻ bị tổn thương đến mức nào? Hãy cùng đọc câu chuyện nhỏ của một người mẹ dưới đây nhé!
Một ngày bận rộn, vừa tan làm về, tôi nhận được điện thoại của cô giáo chủ nhiệm của con gái gọi điện tới:“Hồng Anh đi học rất không nghe lời, cô giáo hỏi câu nào cũng coi như không nghe thấy. Khi tôi hỏi nguyên nhân tại sao thì Hồng Anh cũng không nói! Chị xem con gái dạo này ở nhà có gì khác thường không?”
Con gái tôi từ trước đến giờ vốn là một đứa trẻ ngoan ngoãn, lễ phép cho nên những lời này giống như không phải nói về con gái tôi vậy. Tôi vừa hoài nghi vừa nhìn về phía con gái mình, mãi mà vẫn không thấy trên mặt con biểu lộ ra điều gì cả. Tôi đành nói lời xin lỗi với cô giáo: “Sự tình này tạm thời tôi chưa tìm hiểu rõ được. Để tôi nói chuyện với con bé xem thế nào rồi sẽ báo với cô giáo sau nhé!”
Sau khi nghe xong cuộc điện thoại, tôi nhịn không được liền hỏi ngay con gái: “Chuyện cô giáo nói con ở lớp là như thế nào? Có phải là cô giáo hiểu nhầm con không? Mẹ biết, con không phải là một đứa trẻ không hiểu lễ phép!”. Cô con gái của tôi vẫn không nói gì, chỉ ngẩng đầu lên và liếc mắt nhìn mẹ.
“Mẹ chỉ cần một lời giải thích chứ không phải là trách mắng con đâu!” Con gái vẫn yên lặng như cũ. Tôi đành thở dài nói một câu: “Vậy trước hết con hãy ngồi suy nghĩ đi!”
Mãi đến lúc ăn cơm tối xong, con gái vẫn không có ý định nói chuyện cùng tôi mà chạy đến chỗ tivi xem hoạt hình. Tôi lúc ấy, cũng đi tới chỗ tivi ngồi xem cùng con gái một chút rồi lại nhỏ nhẹ hỏi: “Con có thể tâm sự với mẹ một chút không?” Con gái tôi nhìn chằm chằm vào chương trình quảng cáo trên tivi và từ trong cổ họng phát ra một âm thanh “ừ..”
Tôi hỏi: “Hôm nay ở lớp sao con không thèm nhìn cả cô giáo vậy?… Tâm trạng của con không được tốt sao?”
Con gái vẫn không đếm xỉa gì đến câu hỏi của tôi mà chỉ chăm chú xem tivi.
Bị con gái xử sự như vậy, tôi bắt đầu cảm thấy rất khó chịu. Trước đây con gái tôi thường khoe rằng các bạn đều hâm mộ mình vì có một người mẹ thấu tình đạt lý. Vậy mà lần này, tôi chỉ cần biết một cái lý do nhỏ nhoi như vậy thôi mà con gái coi như không nghe thấy. Tôi thầm nghĩ: “Chẳng lẽ mình quá hòa ái sao, mình đánh mất cả sự uy nghiêm rồi sao?”
Nghĩ vậy nên trong lòng tôi càng bực mình hơn, tôi đứng phắt dậy, giật lấy cái điều khiển tivi và tắt ngay tức khắc rồi quát:“Con rốt cuộc là có chuyện gì?”
Con gái tôi hoảng sợ, tròn mắt và há hốc mồm nhìn mẹ. Tôi hạ mệnh lệnh: “Lập tức đi về phòng ngủ và suy nghĩ kỹ xem con muốn gì?” Con bé đứng dậy và chạy ngay vào trong phòng. Bím tóc đuôi ngựa hất lên hất xuống, nhìn rất thương tâm.
Tôi chán nản, thất vọng ngồi trên ghế salon, không nói lời nào cho đến lúc chồng tôi đi tới bên cạnh và nói: “Bình tĩnh một chút! Em là người hiểu con gái rõ nhất, nên tin tưởng con!”
Đúng vậy, tôi là người hiểu rõ con gái, nó không phải là một đứa trẻ lạnh lùng như vậy, nhất định là có nguyên nhân gì đó. Tôi đứng lên, hít sâu và đi vào bàn làm việc viết một tờ giấy: “Con yêu của mẹ! Con không để ý đến mẹ , mẹ rất đau lòng! Mẹ đã nổi nóng với con, thực sự xin lỗi con!” Viết xong những dòng chữ này, tôi gõ cửa phòng con gái và nhét tờ giấy qua khe cửa.
Hai phút sau, con gái tôi đột nhiên mở cửa và đứng trước cửa khóc thút thít. Nhìn thấy con gái như vậy, tôi liền chạy lại và ôm con gái vào lòng, con gái lúc này khóc lại càng to hơn. Vừa khóc, con gái vừa nói cho tôi biết rằng, hôm nay con đã làm một cái thí nghiệm, xem một người khi bị người khác không để ý đến sẽ thấy thế nào.
Tôi vỗ nhẹ vào lưng con gái và hỏi lại với vẻ khó hiểu: “Tại sao con lại muốn làm một thí nghiệm như vậy?”
Con gái trả lời: “Mẹ! Có phải lúc con không để ý đến mẹ, mẹ sẽ cảm thấy rất không vui phải không?”
Tôi gật gật đầu, cháu lại hỏi: “Lúc con mải xem tivi mà không nói chuyện với mẹ, có phải mẹ cũng rất không vui?”
“Đúng vậy! Mẹ cảm thấy vô cùng khó chịu!”
Con gái nhỏ giọng oán trách tôi: “Con cũng thường xuyên thấy không vui! Mẹ luôn làm thêm, không có thời gian chơi với con.”
Tôi thở dài nói: “Gần đây mẹ bận quá, cuối tuần mẹ đưa con đi công viên chơi nha!”
Con gái vẫn chảy chảy nước mắt nói: “Mẹ đâu có chơi với con, lúc con chơi cầu trượt, nhảy dây thì mẹ chỉ mải chơi với chiếc điện thoại thôi!”
Nghe câu này của con gái, trong lòng tôi như có luồng điện chạy qua. Ngày nay, điện thoại càng ngày càng nhiều chức năng, tôi cũng tự nhiên thành ra “nghiện” lúc nào không hay biết, lúc nào cũng cầm điện thoại không rời tay.
Rất nhiều lần tôi đưa con gái ra ngoài chơi, trong lúc chờ con chơi thì tôi lấy điện thoại ra đọc tin nhắn, vào mạng xem tin tức và lên facebook nói chuyện với bạn bè. Tôi nhớ lại, lúc con bé khoảng 5 tuổi, mỗi lần cho con đi chơi, con vừa chơi với bạn bè vẫn vừa nhìn mẹ, ra vẻ nói rằng con đang chơi giỏi chưa. Những lúc ấy tôi lại nhìn con mà mỉm cười gật gật đầu. Con gái lại chạy lại ôm cổ mẹ thơm và lại chơi với các bạn, thực sự nhìn vẻ mặt con rất vui. Nhưng mà đúng là từ lâu rồi cảnh tượng như vậy không còn diễn ra nữa…
Nước mắt chợt trào ra, tôi ôm con gái vào lòng và nói: ‘Mẹ xin lỗi! Mẹ xin lỗi…”
Tôi hỏi con gái: “Con làm thử thí nghiệm này là cũng muốn cho mẹ biết cảm giác bị bỏ rơi đúng không?”
Con gái gật gật đầu và len lén ánh mắt nhìn tôi.
Tôi lại nói với con gái: “Vậy từ nay mẹ sẽ chơi và nói chuyện với con nhiều hơn nhé! Ngày mai con hãy đi xin lỗi cô giáo được không?”
Con gái lúc này mới gật gật đầu ưng ý.
Nhờ “bài học” của cô con gái mà tôi như tỉnh ngộ, tôi cuối cùng đã quyết định sẽ tắt điện thoại mỗi khi có thời gian rảnh rỗi để chơi đùa cùng con, hưởng thụ trọn vẹn khoảnh khắc tìm cảm đầm ấm của mẹ và con gái.
Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch