8 loại hình thông minh để chúng ta có thể nhận biết tiềm năng của bản thân sau đó hãy cứ cố gắng với những gì mình có, liên tục dùi mài, phát triển nó, không bằng đường này thì đường khác, chúng ta nhất định sẽ tìm được môi trường, điều kiện để thể hiện khả năng của mình.
Nhân loại luôn cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ và kính trọng khi nhắc đến những bậc vĩ nhân như Albert Einstein, Alfred Nobel, Leonardo da Vinci… hay Bill Gates, Steve Jobs…. Người ta gọi họ là “Thiên tài”, là “Vĩ nhân” và khao khát mình cũng có được trí tuệ, khả năng như vậy. Nhiều người cảm thấy mình thật bé nhỏ, tự ti khi tự đặt mình lên “bàn cân” với những người tài giỏi xung quanh như thế và mất hẳn niềm tin vào chính bản thân mình.
Bạn có biết trong mỗi chúng ta luôn tồn tại những điều tuyệt vời mà người khác không thể có được. Tiến sỹ Howard Gardner thuộc Đại học Harvard cho rằng không chỉ có một mà có rất nhiều loại hình thông minh khác nhau. Những nghiên cứu áp dụng với người lớn lẫn trẻ em đã giúp ông khám phá cách con người vẫn học tập, thể hiện rất khác nhau.
Ông nhấn mạnh rằng những phần khác nhau của bộ não có liên quan mật thiết đến những kiểu thông minh khác nhau. Và ông đưa ra một thuyết, giải thích những khả năng đa dạng của con người. Ông gọi đó là Theory of Multiple Intelligence (Học thuyết Đa trí tuệ). Thuyết này nói rằng có tám loại hình thông minh – tám cách để trở nên tài giỏi. Gardner từng nói “Vấn đề không phải là bạn thông minh nhiều đến mức nào mà chính là bạn thông minh như thế nào (lĩnh vực nào)”.
Và dưới đây là 8 loại hình thông minh để chúng ta có thể nhận biết tiềm năng của bản thân sau đó hãy cứ cố gắng với những gì mình có, liên tục dùi mài, phát triển nó, không bằng đường này thì đường khác, chúng ta nhất định sẽ tìm được môi trường, điều kiện để thể hiện khả năng của mình. Như Albert Einstein từng nói: “Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng trèo cây của nó, nó sẽ sống cả đời mà tin rằng nó thật sự thấp kém.”
Trí thông minh ngôn ngữ
Bạn yêu thích ngôn từ và cách sử dụng chúng để nói, đọc, viết. Bạn thích chơi trò xếp chữ, đánh vần, kể chuyện, học ngoại ngữ, viết lách hay đọc sách.
Trí thông minh âm nhạc
Bạn yêu thích âm nhạc, tiết tấu, giai điệu và các loại âm thanh. Bạn có thể nhận biết được trường độ, cao độ. Bạn thích nghe nhiều loại nhạc, ca hát, chơi nhạc cụ, nghe đĩa CD hoặc tham dự các buổi hòa nhạc.
Trí thông minh logic
Bạn có khả năng tính toán và hiểu rõ các con số hay khái niệm toán học. Bạn thích tìm tòi và say mê khoa học. Có thể bạn thích các câu đố, các vấn đề phức tạp, máy tính, tự tạo mật mã hay làm các thí nghiệm khoa học
Trí thông minh không gian
Bạn thích ngắm nhìn bầu trời đêm và dõi theo những điều thú vị trong đó. Bạn có thể hình dung các sự vật hoặc hình ảnh trong đầu. Bạn có thể ghi nhớ những hình ảnh đã nhìn thấy và thể hiện cho người khác bằng cách vẽ tranh tạo mẫu, chụp ảnh, kiến trúc hoặc chế tạo.
Trí thông minh vận động cơ thể
Bạn có một vóc dáng khả ái và có thể điều khiển cơ thể tiếp thu các kỹ năng mới hoặc tự khám phá bản thân theo những cách khác nhau. Có thể bạn giỏi điền kinh, khiêu vũ đẹp hay diễn xuất nhập tâm. Hoặc thích làm đồ thủ công mỹ nghệ, thiết kế tạo dáng hoặc sửa chữa mọi thứ.
Trí thông minh tương tác cá nhân
Bạn yêu mến những người xung quanh và cách họ đối xử với nhau. Bạn có thể là thành viên của nhiều nhóm sinh viên, bạn có rất nhiều bạn bè và thường xuyên giúp đỡ người khác hoặc tham gia các hoạt động cộng đồng trong bất kỹ nhóm xã hội nào.
Trí thông minh nội tâm
Bạn biết mình đang cảm thấy gì, thành thạo trong làm việc gì và cần tự hoàn thiện lĩnh vực nào. Bạn luôn hiểu bản thân hơn người khác hiểu bạn. Có thể bạn sẽ viết nhật ký, tự đề ra kế hoạch cho tương lai, ngồi suy ngẫm về quá khứ hay tự đánh giá bản thân mình.
Trí thông minh thiên nhiên
Bạn thích quan sát, khám phá và phân loại các sự vật, hiện tượng, ví dụ như thực vật, động vật hay các loại đá hoặc cũng có thể phân loại các đĩa CD, trang phục của các bạn cùng lớp. Bạn thích chơi ngoài trời, làm vườn, chăm sóc vật nuôi, nấu nướng hay dồn hết tâm trí vào thế giới tự nhiên.