Gần đây, cộng đồng mạng rộ lên những chia sẻ về một bức ảnh chụp từ năm 2015. Đây cũng là bức ảnh khiến nhiều bậc phụ huynh chúng ta giật mình nhìn lại.
Sự khác biệt trong giáo dục con cái giữa các nước phương Đông và phương Tây luôn là đề tài được bàn luận lâu nay. Trong tiềm thức của nhiều người, các bậc cha mẹ châu Âu hiện lên với hình ảnh nghiêm khắc, mạnh mẽ, đầy lý trí. Còn những ông bố bà mẹ châu Á lại có vẻ tình cảm, khoan dung và nhu nhược hơn.
Nhưng không phải lúc nào điều đó cũng đúng. Nếu chưa tin, bạn hãy nhìn bức ảnh dưới đây:
Trong ảnh là một ông bố nước ngoài đang nói chuyện với các con. Ngay bên cạnh là một người mẹ Trung Quốc đang cắm cúi lướt web trên điện thoại di động, đứa con của cô cũng lại cầm một chiếc điện thoại khác.
Chứng kiến hình ảnh này, nhiều người chợt giật mình: Có phải bình thường mình cũng rất giống với bà mẹ Trung Quốc kia không? Rất nhiều bà mẹ ngày nay đã coi điện thoại là công cụ vạn năng, là “bảo mẫu” cho con mình.
Trong cùng một khung hình, người cha phương Tây vừa bế cô con gái út, vừa nói chuyện với cô con gái lớn, khung cảnh thật ấm áp. Điều đó trái ngược hẳn với cảnh tượng nhàm chán, buồn tẻ và lạnh lùng phía bên kia.
Cùng một hàng ghế, trong cùng một bức ảnh nhưng 2 hình ảnh ấy lại tương phản nhau rất rõ rệt.
Một người dùng mạng bình luận trên Facebook rằng: “Một bức ảnh đã giải thích được vì sao nền giáo dục của Trung Quốc đã thất bại. Rất cảm ơn người cha nước ngoài đã làm mẫu cho chúng ta thấy được thế nào là sự kết nối và bầu bạn giữa cha mẹ và con cái”.
Một người khác lại bình luận rằng: “Dùng điện thoại thì phải biết tiết chế, không nên lạm dụng quá độ mà coi nhẹ tình thân, tình bạn, tình yêu”.
Đương nhiên, hình ảnh ấy không đủ để đại diện cho toàn bộ nền giáo dục của Trung Quốc. Không phải bà mẹ Trung Quốc nào cũng vô tâm đến thế. Cũng như không phải ông bố phương Tây nào cũng tâm lý như người cha ở trong khung hình.
Thế nhưng, có một vấn đề không ai có thể phủ nhận được rằng, điện thoại di động dù có thể nhất thời vỗ về tình cảm cho con trẻ nhưng nếu cứ kéo dài mãi thì lại là một liều thuốc độc, một vòng tuần hoàn ác tính.
Lũ trẻ chìm đắm trong thế giới ảo của điện thoại di động sẽ không thể trải nghiệm được sự tốt đẹp của thế giới bên ngoài. Khi không thể cảm nhận được vẻ đẹp của thế giới bên ngoài, chúng lại càng kiếm cớ tìm đến với điện thoại hơn.
Trong xã hội hiện đại, chiếc điện thoại di động đã trở thành vật bất ly thân của nhiều người. Người ta liên lạc, tán gẫu, đọc báo thậm chí xem truyền hình ở đó.
Các bậc cha mẹ cũng vì thế mà dưỡng thành thói quen tiếp xúc với điện thoại di động cho con cái mình. Từ tấm bé đứa trẻ đã được nghe, nhìn, giao tiếp qua chiếc điện thoại bé con con.
Thay vì dạy trẻ chơi đùa, học nói, người ta quăng cho chúng một chiếc điện thoại để rảnh tay làm những việc quan trọng hơn. Loại quan niệm ấy đang ngày càng trở nên phổ biến.
Một nghiên cứu của tổ chức Digital Awareness UK (Anh) cho thấy hơn 1/3 trong tổng số 2.000 học sinh từ 11 – 18 tuổi đã yêu cầu cha mẹ ngừng sử dụng điện thoại trong cuộc trả lời phỏng vấn. Ngoài ra, 22% các em nói rằng việc sử dụng điện thoại di động đã ngăn cản gia đình mình tâm sự với nhau.
Rất nhiều chuyên gia tâm lý đều có cùng quan điểm rằng ngày nay các thiết bị điện tử đã phá huỷ sự tương tác cảm xúc vốn có của những thành viên trong gia đình. Thực ra, bạn hoàn toàn có thể thay đổi điều này, chỉ cần buông chiếc điện thoại ra và trò chuyện với đứa con mình.
Để kết thúc bài viết nhỏ này, chúng tôi muốn kể với quý độc giả một câu chuyện đáng suy ngẫm về bài văn của một học sinh tiểu học từng lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Đầu đề của bài văn là: “Hãy viết về điều ước của em”. Em học sinh này viết:
“Ước mơ của con là trở thành một chiếc điện thoại di động. Bố mẹ con yêu điện thoại di động lắm. Đến mức con cảm thấy bố mẹ quan tâm đến điện thoại còn hơn quan tâm đến con.
Khi bố đi làm về, dù rất mệt mỏi nhưng bố vẫn chỉ ngồi bấm điện thoại di động chứ chẳng nhớ gì đến con. Khi bận bịu việc gì quan trọng, nếu bất chợt có chuông điện thoại reo, bố mẹ sẽ ngay lập tức nhấc máy nghe. Thế nhưng lúc con khóc thì bố mẹ lại chẳng sốt sắng đến thế.
Bố mẹ thích chơi trò chơi trên điện thoại di động chứ chẳng muốn chơi cùng con. Khi nói chuyện với ai đó trên điện thoại, bố mẹ cũng chẳng bao giờ thèm nghe con nói gì, cho dù con có chuyện rất quan trọng muốn chia sẻ. Vì thế, con chỉ ước được làm một chiếc điện thoại di động”.
Hiểu Liên – Nguồn: Đại Kỷ Nguyên.