Đó là lời mà Maksim Gorky từng kết luận như vậy để nhấn mạnh vai trò của việc yêu thương đúng cách.
“Sinh con là việc ngay cả gà mái cũng làm được, nhưng yêu con lại là việc khác”, Maksim Gorky từng kết luận như vậy để nhấn mạnh vai trò của việc yêu thương đúng cách. Tại Việt Nam không hiếm hề hiếm cảnh cha mẹ nhịn ăn, nhịn mặc, vất vả nuôi dưỡng, cưng chiều, đáp ứng mọi đòi hỏi của con và tự hào rằng cho càng nhiều càng thể hiện tôi yêu con sâu sắc. Thế nhưng những gì họ được nhận lại rất ít: Con cái không nghe lời cha mẹ, không hiểu cha mẹ, ăn bám, thậm chí hỗn láo với cha mẹ.
Tình yêu thương giành cho con cái là một môn khoa học và là cả một nghệ thuật, tình yêu ấy cần phải có ý nghĩa, có thành tựu. Người Việt có câu “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” là bởi quan niệm chúng ta giàu nên cứ nghĩ yêu thương con hết mực toàn bộ gia sản mình làm lụng vất vả để lại hết cho con cháu thì chúng cũng sẽ được giàu sang, nào ngờ thế hệ sau cậy thế ăn chơi trác táng, không quá ba đời của cải trong nhà đều đội nón ra đi.
Thế nhưng tại sao các nước châu âu hay Israel có rất nhiều gia tộc giàu có tồn tại hàng trăm năm cho đến hiện tại vẫn được duy trì và phát triển. Đó là bởi người Do Thái yêu con cũng có nguyên tắc.
Lùi một bước, biết buông tay
Danh nhân Do Thái Karl Marx từng nói: “Con người cần biết đi, cũng cần biết ngã, vì chỉ có vấp ngã, anh ta mới biết đi”. Quy tắc giáo dục gia đình của người Do Thái nhắc nhở các bậc cha mẹ: Mọi tình yêu trên thế giới đều hướng đến mục đích chung là sự gắn kết, chỉ có một tình yêu luôn hướng đến sự phân ly là tình yêu cha mẹ dành cho con cái.
Người Do Thái cho rằng cha mẹ thật sự biết nghĩ cho hạnh phúc của con cần phải trao cho trẻ nhiều cơ hội sáng tạo, tìm kiếm thông tin bên ngoài chứ không đứng mũi chịu sào, một tay lo hết mọi việc, che khuất tầm nhìn tương lại của chúng.
Giúp con sớm trở thành một cá thể độc lập sau khi rời khỏi cha mẹ, có thể đối diện với thế giới bằng chính nhân cách độc lập của mình, đó mới là tình yêu thương đích thực cha mẹ nên dành cho con cái. Cha mẹ rút lui càng sớm, buông tay càng sớm, trẻ càng dễ thích nghi trong tương lai.
Nói như vậy không có nghĩa cha mẹ bỏ mặc hoàn toàn con cái mà là ẩn giấu phân nửa tình yêu con của mình, làm cho tình cảm dành cho con trở nên lý trí, khoa học, nghệ thuật chứ không phải nặng nề, mù quáng.
Yêu con trên nguyên tắc có làm có hưởng
Nguyên tắc có làm có hưởng là tinh hoa giáo dục sinh tồn của người Do Thái, nó thu được hiệu quả thực tế rất tốt, khiến cho con cháu họ nên tài giỏi và giàu có, dù phiêu bạt đến bất cứ nơi nào, sự nghiệp cũng như cá gặp nước.
Theo quan điểm của phụ huynh Do Thái, các loại kỹ năng được dạy trong trường học như âm nhạc, vũ đạo, hội họa hay quần vợt, tất nhiên đều cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nhà trường không thể cung cấp cho trẻ một “sân huấn luyện” kinh nghiệm sống. Vì vậy trong vấn đề giáo dục, người Do Thái gạt bỏ rất nhiều thứ phù phiếm, họ coi giáo dục sinh tồn là ưu tiên hàng đầu, với mong muốn sau này lớn lên mỗi đứa trẻ sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cách làm này phát huy hiệu quả rất tốt đối với tất cả trẻ em, nhất là ở độ tuổi trên mười, hiệu quả càng rõ nét. Đứa trẻ trở nên giỏi giang hơn những gì cha mẹ tưởng tượng, ý thức thời gian, ý thức tự lập, ý thức trách nhiệm được phát triển một cách đồng đều. Trong các buổi họp phụ huynh, người Do Thái thường thảo luận vấn đề làm sao thực hiện nguyên tắc có làm có hưởng.
Họ cho rằng, những đứa trẻ chỉ hoàn thành xuất sắc bài vở trên lớp thôi chưa chắc sẽ thành công trong cuộc sống, nói cách khác, những đứa trẻ chỉ hoàn thành xuất sắc bài vở trên lớp không có nghĩa là chúng sẽ gặp thuận lợi khi thực hiện giá trị cá nhân và giá trị xã hội trong cuộc sống tương lai.
Trì hoãn thỏa mãn, khéo léo từ chối thỏa mãn
Phụ huynh Israel thường trao đổi, đối thoại với con em mình để chúng hiểu lý do vì sao cha mẹ trì hoãn những yêu cầu của chúng.
Họ bảo trẻ: Nếu con thích chơi thì con cần phải có thời gian để chơi đúng không. Con sẽ đạt được mong muốn của mình khi con thi được vào trường điểm và có được thành tích xuất sắc. Sau này con có thể tìm được một công việc rất tốt, kiếm được rất nhiều tiền, đến lúc đó, con sẽ có nhiều thời gian vui chơi và đồ chơi của con cũng đắt tiền hơn. Nhưng nếu con đi sai trật tự thì toàn bộ hệ thống sẽ không hoạt động bình thường, con sẽ có rất ít thời gian vui chơi và chỉ sở hữu một vài thứ tồi tệ, phần đời còn lại, dẫu con nỗ lực làm việc đến đâu cũng không có đồ chơi, không có niềm vui.
Các vị phụ huynh cũng thường đưa ra những kiến giải của mình về “học cách cự tuyệt” trong quan niệm giáo dục gia đình. Messiah, nhà giáo dục Do Thái nổi tiếng đã sớm chỉ ra: “Về phương diện giáo dục gia đình, dạy trẻ không được phép làm chuyện gì là vô cùng quan trọng.”
Trước hết, phương pháp giáo dục “trì hoãn thỏa mãn” khiến con biết nhẫn nại, giúp con hiểu thế giới này không dành cho một mình nó, con không thể dễ dàng có được tất cả những gì mình muốn. Bên cạnh đó, “trì hoãn thỏa mãn” cũng làm tăng khả năng chịu đựng của con khi bị từ chối, bồi dưỡng chỉ số AQ – nhân tố quan trọng đưa đến thành công. Không chỉ có vậy, “trì hoãn thỏa mãn” còn rèn luyện ý chí, từ đó khiến tâm lý của chúng biết co biết duỗi và có tính “đàn hồi” hơn. Trong học tập, con cũng nhẫn nại hơn.
Theo Trí Thức Trẻ