Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh (chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con) cho rằng: “Ở một mốc thời gian nào đó chúng ta đều có thể rơi vào trạng thái sống lơ đãng, không mục đích, nhưng nếu kéo dài thì đó là câu chuyện cần cảnh báo”.
Theo bà Thụy Anh, có rất nhiều lý do khiến giới trẻ rơi vào trạng thái sống thụ động, buông xuôi hoặc chỉ muốn tận hưởng sự thoải mái…, và khi không kịp có những cú hích, sự khuyên răn hay chỉ dẫn kịp thời thì những việc trên sẽ dần trở thành thói quen và khó thể cứu chữa được.
Lỗi không chỉ từ người trẻ
Theo TS Thụy Anh, vấn đề mang tính xã hội cũng như giáo dục, nằm trong hai điểm quan trọng: cách nhìn nhận các giá trị tinh thần mà xã hội coi trọng và cách khẳng định, thể hiện giá trị của mỗi cá nhân trong xã hội đó.
Bà cho rằng xã hội, truyền thông hiện nay đa số đề cao những giá trị ảo, thiên về vật chất… và thiếu việc hun đúc lý tưởng, triết lý sống khiến giới trẻ bị chao đảo, không thể tự xây dựng cho bản thân một bộ giá trị chuẩn và không nhận thấy được giá trị của chính bản thân.
“Trong bất kỳ xã hội nào, chỉ khi chúng ta tự biết đánh giá, tự tin và biết trân trọng giá trị bản thân thì chúng ta mới tìm được hướng đi lâu dài và không cảm thấy chán nản, để cuộc đời trôi vô định… cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra” – bà phân tích.
Theo bà, cội rễ của vấn đề bắt nguồn từ phương pháp tiếp cận của nhà trường, gia đình từ khi các cá nhân trên còn nhỏ.
“Lối sống làng nhàng, trống rỗng, thiếu bản lĩnh trước những thăng trầm cuộc sống… sẽ được hạn chế ở giới trẻ nếu trước đây họ không bị người lớn “cầm tay chỉ việc”, áp đặt, thiếu tin tưởng” – bà nói.
Tương tự, TS tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM) cho rằng hoàn cảnh và cách giáo dục của gia đình có tác động lớn đến hành vi, lối sống của con người nói chung, giới trẻ nói riêng sau này.
“Chẳng hạn như khi chúng ta quá bảo bọc một đứa trẻ thì khi lớn lên chúng sẽ thiếu ý chí, nghị lực sống. Do vậy, phụ huynh cần thiết yêu thương con một cách phù hợp để sau này con có thể đương đầu, giải quyết mọi khó khăn gặp trong cuộc sống” – ông Quân chia sẻ.
Cách nào xốc lại tinh thần?
Theo bà Thụy Anh, với những cá nhân đã bước qua độ tuổi trưởng thành nhưng vẫn chọn cuộc sống không mục đích, họ cần được trao những trách nhiệm mới để khiến họ có động lực sống, làm việc và sáng tạo.
“Những người thân có thể giúp họ sống mạnh mẽ, ý nghĩa hơn bằng cách luôn thể hiện lòng tin với họ, sát cánh, ủng hộ cách họ thể hiện mình” – bà Thụy Anh cho biết.
Còn với chính các bạn trẻ trên, bà Thụy Anh cho rằng họ cần tự vấn: “Mình có khả năng, điểm mạnh gì?”, “Mình tự hào về điều gì ở bản thân?”, “Mình có thể làm gì để thể hiện khả năng đó và để tự hào về bản thân?”, “Nếu cứ sống như bây giờ thì vài năm nữa mình sẽ ra sao?”…
Được nhiều người biết đến với hình ảnh “người phụ nữ đa năng” khi đảm nhận vị trí quản lý kiêm dẫn chương trình, viết sách…, bà Lê Quỳnh Thư (giám đốc điều hành Công ty truyền thông – tổ chức sự kiện Vietlink) bổ sung:
“Đằng sau hình ảnh một doanh nhân thành đạt là những tháng ngày anh ấy miệt mài trên ghế nhà trường, đằng sau sự long lanh của cô người mẫu là vô vàn những bước sải chân tập luyện mướt mồ hôi, kiêng khem giữ dáng…
Cá nhân tôi có được ngày hôm nay cũng đến từ việc chấp nhận khổ cực và trân trọng những điều lớn – nhỏ trong cuộc sống, nếu không phải là việc mình yêu thì tôi gắng yêu việc mình làm. Nói vậy để hiểu mọi thành công đều có cái giá của nó. Nếu bạn trả giá rẻ, đừng mong có một món đồ giá trị”.